Monday, November 25, 2013

Nghĩ Về Nạn Nhân Siêu Bão Haiyan, Một Miếng Khi Đói


Tác giả : Bùi Văn Phú
Tuần trước, xem ti-vi có nhiều tin và hình ảnh về hậu quả khủng khiếp của siêu bão Haiyan đổ xuống miền trung Philippines làm nhà cửa đổ nát, cảnh tan hoang khắp nơi, xác người chồng chất không kịp chôn, chúng ta không khỏi xúc động trước thảm cảnh và lo cho số phận của người dân ở đó.

Gia đình tôi có hàng xóm, đồng nghiệp và người quen gốc Phi nên chúng tôi thăm hỏi họ. May mắn không ai có thân nhân bị ảnh hưởng trực tiếp của trận bão, nhưng họ cũng hết sức lo lắng cho đồng bào và tỏ lòng cám ơn chúng tôi đã quan tâm. Tôi nói nhiều người Việt đã có thời tị nạn, sống tạm trú trên đất Phi và được đối xử trong tình người nên không bao giờ quên ơn nghĩa đó.

Đối với người Việt hải ngoại, nhiều người đã biết đến Philippines vì đó là vùng đất đầu tiên họ đặt chân lên sau khi rời khỏi Việt Nam.

Tại thời điểm của biến cố 30-4-1975 hàng chục nghìn người Việt di tản khỏi Việt Nam được đưa vào căn cứ hải quân Subic Bay, rồi chuyển qua căn cứ không quân Clark của Hoa Kỳ trên đất Phi trước khi được đi định cư.

Hai thập niên nối tiếp sau đó, nhiều con tàu vượt biển táp vàp các đảo Phi được cư dân địa phương cứu giúp trong lúc hoạn nạn và rồi được chính phủ Phi đưa về trại Palawan.

Ai đã xem phim tài liệu “Bolinao 52” thì hiểu được tấm lòng của người dân Phi tuy nghèo nhưng đầy tình nhân ái. Đây là câu chuyện về một con tàu vượt biển rời Việt Nam năm 1988 với hơn 100 người và trong 37 ngày lênh đênh trên biển con tàu đã gặp định mệnh khắc khe khiến thuyền nhân phải ăn thịt nhau, trước khi gặp tàu đánh cá người Phi cứu vớt đưa về Bolinao.

Ở Phi có hai trại tị nạn, một ở Palawan là nơi tạm cư của mấy trăm nghìn người vượt biển. Ngoài Palawan là trại Bataan, nơi cả trăm nghìn thuyền nhân từ các nước Đông Nam Á, và những gia đình với con lai, sau khi Hoa Kỳ nhận cho định cư thì được chuyển vào đây để học tiếng Anh và văn hoá Mỹ trước khi lên đường.

Rất nhiều người Việt đã có ít nhiều kỷ niệm với quê hương quần đảo này. Có người còn trải qua những thiên tai ở đó, từ mưa bão, động đất đến núi lửa phun.

Đã có một thời gian làm việc ở Đông Nam Á, tôi nhận thấy trại tị nạn ở Phi có chính sách thông thoáng nhất vì đó không phải là những trại cấm như ở các nước khác trong vùng. Người vượt biển được tự do ra phố ở Palawan. Trại Bataan cũng thế, người Việt có thể ra ngoài đi chợ Morong hay đi chơi Manila vào cuối tuần.

Khi các nước Đông Nam Á có chính sách cưỡng bách hồi hương, Phi là quốc gia duy nhất không thực hiện chính sách này và đã tạo cơ hội cho hàng nghìn người vượt biển được ở lại Phi nếu họ muốn. Tình nhân đạo đó mãi mãi được người Việt tị nạn ghi nhớ.
Hàng trên: Trại Palawan đã đón hàng trăm nghìn người Việt tị nạn. Hàng dưới, trái: Báo của người Phi tại California tràn ngập tin tức về hậu quả và việc cứu trợ nạn nhân siêu bão Haiyan; phải, người vượt biển đến Philippines cuối thập niên 1980. (ảnh Bùi Văn Phú)

Nay trước những đau khổ và khó khăn do thiên tai gây ra, người Việt hải ngoại đang cùng nhau góp tay xoa dịu nỗi đau và chia sẻ mất mát hàng triệu người dân Phi đang gánh chịu. Những nỗ lực cứu trợ của người Việt đang được thể hiện. Tổ chức VOICE của một số bạn trẻ Việt Nam với lời kêu gọi của anh Trịnh Hội sau một tuần đã quyên được trên 200 nghìn đô la, tính đến tối ngày 20-11. Trong giờ đầu tiên quyên góp, độc giả báo Người Việt ở Little Saigon đã đóng góp 20 nghìn qua toà soạn.

Nam California cuối tuần này Tổng hội Sinh viên và nhiều đoàn thể người Việt sẽ tổ chức đi bộ gây quỹ giúp nạn nhân ở Phi và cả ở Việt Nam. Bắc California có quyên góp do Cộng đồng Người Việt Quốc gia Bắc California phát động trong vòng một tháng và số tiền thu được sẽ nhờ Hội Hồng Thập tự chi nhánh ở San Jose chuyển đến cho nạn nhân ở Phi.

Công ty bánh mì Lees của ông Lê Văn Chiêu cũng đã mở chiến dịch quyên góp trong 5 tuần lễ tới tại 60 cửa hàng trên toàn nước Mỹ và cũng sẽ nhờ Hồng Hội Thập tự Hoa Kỳ chuyển số tiền thu được qua Phi.

Cộng đồng người Phi ở Mỹ có khoảng 3 triệu 400 nghìn người, đa số cũng định cư ở California như người Việt, với 1 triệu 500 nghìn người tập trung quanh Los Angeles, San Jose, San Francisco, vì thế trong cuộc sống hàng ngày người Việt cũng thường có cơ hội giao tiếp với người Phi.

Riêng tại khu vực San Jose, từ hơn hai thập niên qua đã có những dân cử gốc Phi là bạn chân tình tích cực yểm trợ cho sự phát triển cộng đồng người Việt tại đây. Điển hình là đương kim thị trưởng thành phố Milpitas, ông Jose Esteves, một dân cử luôn sát cánh cùng người Việt. Qua thiên tai bão lụt Haiyan, đây là cơ hội để người Việt đáp lại tình nghĩa mà thị trưởng đã dành cho cộng đồng Việt bằng những đóng góp cứu trợ giúp đồng hương ở quê nhà của ông.

Trước thảm cảnh do bão Haiyan gây ra, nhiều quốc gia trên thế giới đã hỗ trợ tài chánh và phương tiện. Liên Hiệp quốc đưa ra số ngân khoản cứu trợ cần có là 300 triệu đô la. Ủy hội Âu Châu, Mỹ, Anh, Úc, Canada, Nhật, Ả Rập Thống nhất mỗi nước góp 10 triệu đô hay nhiều hơn và đã gửi thuyền bè, binh sĩ, dụng cụ và tiếp liệu y tế khẩn cấp đến Phi. Các tổ chức bác ái quốc tế phát động chiến dịch cứu trợ ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều nhà thờ, tổ chức xã hội địa phương đang quyên góp phẩm vật như chăn mền, quần áo, nước uống và thức ăn đóng hộp để gửi qua Phi.

Cộng đồng người Mỹ gốc Phi tại vùng Vịnh San Francisco, California trong hai ngày đầu quyên góp qua lời kêu gọi của ABS-CBN Foundation International, một tổ chức phát triển của người Phi, đã nhận được 312 nghìn đô la.

Tùy hoàn cảnh, mỗi người chúng ta nên làm hết lòng để góp phần xoa dịu nỗi đau và khó khăn mà hàng triệu dân Phi đang phải gánh chịu. Đã một thời làm người tị nạn, được đón nhận và cho tạm trú nên chúng ta biết ơn người dân và đất nước Phi. Nay góp một bàn tay cứu giúp là để đáp đền ơn nghĩa ấy, là thể hiện tình tương thân tương ái.

Tôn giáo luôn kêu gọi tín hữu tỏ lòng hỉ xả, từ bi và bác ái. Còn ông bà đã dạy chúng ta cách xử thế trong đời qua câu ca dao tục ngữ “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

No comments:

Post a Comment